Ngày đăng bài: 21/06/2019 23:43
Lượt xem: 673
Thời cơ và thách thức để phát triển ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam

Vào những năm 50, người ta nhận thấy sự phát triển không ngừng của các lĩnh vực phi nông nghiệp, phi công nghiệp ở một số nền kinh tế tiên tiến. Sự phát triển đó được xem là hạt nhân của nền kinh tế mới đang nổi lên, trong đó thông tin là một trong những yếu tố đóng vai trò chủ đạo, trở thành tín hiệu điều khiển nền kinh tế. Sự gia tăng của các thông tin và công nghệ thông tin đã tạo tiền đề cho ngành công nghiệp nội dung số (CNNDS) ra đời và nó dần trở thành thước đo để đánh giá sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia.

Với hàm nghĩa công nghiệp là một hoạt động kinh tế có quy mô lớn với những sản phẩm làm ra trở thành hàng hoá và dịch vụ. Như vậy, khi nội dung số phát triển đến quy mô hàng hoá, dịch vụ nhất định nó sẽ trở thành một ngành công nghiệp. Và có thể hiểu khái niệm ngành CNNDS đơn giản là ngành công nghiệp thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ, phân phối và ấn hành các sản phẩm nội dung dưới dạng số truyền tải trong môi trường điện tử. CNNDS là sự kết hợp của các nhóm ngành công nghệ thông tin, truyền thông và những ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào như: văn hoá, giáo dục, y tế…

CNNDS phát triển mạnh đã thâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực mà trước đây chưa được coi là ngành sản xuất. Những thay đổi nhanh chóng trong chuỗi giá trị sản xuất, phân phối và sử dụng nội dung số đã tạo ra nhiều mô hình kinh doanh năng động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt đối với các nhà quản lý trong xây dựng môi trường kinh doanh và chính sách thị trường để ngành CNNDS không ngừng phát triển.

1. Thực trạng và cơ hội phát triển công nghiệp nội dung số ở Việt Nam

Thực trạng ngành công nghiệp nội dung số

CNNDS xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1990, nhưng chỉ mới phát triển vào những năm gần đây với các loại hình dịch vụ giáo dục trực tuyến, game online (trò chơi trực tuyến), trò chơi tương tác trên truyền hình, trên điện thoại di động… Lĩnh vực CNNDS hiện nay đang được định hướng phát triển tập trung vào nhóm vấn đề liên quan đến: Phát triển nội dung số cho Internet (cổng thông tin điện tử, dịch vụ email, dịch vụ tìm kiếm trên Internet…); Phát triển nội dung số cho mạng điện thoại di động; Giáo dục điện tử trực tuyến E-learning (đào tạo trực tuyến, tư vấn, tra cứu thông tin qua mạng, cung cấp chương trình học tập, giáo trình, bài giảng, thí nghiệm ảo…); Trò chơi điện tử; Cơ sở dữ liệu (văn bản pháp quy, số liệu thống kê, dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu doanh nghiệp…) và những nội dung số phục vụ giải trí (truyền hình kỹ thuật số, sản phẩm đa phương tiện số…). Thị trường nội dung số nước ta gần đây rất sôi động, nội dung số được Việt hoá như quảng cáo, trò chơi, tin tức, âm nhạc, phim ảnh… xuất hiện ngày càng nhiều. Sự bùng nổ nội dung số trên điện thoại di động buộc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải chạy đua về công nghệ, hướng tới cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ về điện thoại, truyền hình, truyền dữ liệu… trong môi trường không dây và phát triển mạnh dịch vụ liên kết giữa điện thoại di động với Internet. Xu hướng liên mạng phát triển trong tương lai sẽ tạo ra khả năng truy cập vào các mạng ở mọi nơi, mọi lúc.

Cho đến nay CNNDS vẫn là lĩnh vực giữ được tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. Ước tính năm 2012, CNNDS đạt doanh thu 1,3 tỷ USD (tăng trưởng khoảng 12%). Ba doanh nghiệp chủ lực là VNG, VTC online và FPT online. Việt Nam trở thành thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á và trở thành một trong mười thị trường game online có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong năm 2012, doanh thu của game online đạt 5.000 tỷ VNĐ, tăng khoảng 20% so với năm 2011 (số liệu của công ty GameK). Thị trường xuất khẩu nội dung game online chủ đạo là Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Mỹ la tinh và một số nước châu Âu.

Cơ hội phát triển công nghiệp nội dung số

Đón nhận xu thế toàn cầu hoá và xu hướng phát triển các tập đoàn viễn thông đa quốc gia trong lĩnh vực nội dung số, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chương trình, dự án ưu tiên phát triển ngành công nghệ thông tin, trong đó CNNDS được xem là mũi nhọn phát triển. Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điểm của Luật đầu tư đã đưa “sản xuất sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số” vào danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư. Tháng 5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 56/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển CNNDS đến năm 2010. Theo đó, CNNDS được coi là một ngành kinh tế mới, có nhiều tiềm năng phát triển, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông tin và kinh tế tri thức, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh, Nhà nước đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghiệp này thành một ngành kinh tế trọng điểm. Nhà nước dành một phần ngân sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin – truyền thông hiện đại, hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo môi trường thuận lợi, có chính sách đặc biệt ưu đãi đối với một số sản phẩm trọng điểm và khuyến khích phát triển thị trường nội dung thông tin số.

Cụ thể hoá mục tiêu phát triển, Quyết định 56/2007/QĐ-TTg chỉ ra: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của CNNDS phải đạt từ 30-40%, đạt tổng doanh thu 400 triệu USD/ năm; Xây dựng từ 10-20 doanh nghiệp nội dung số mạnh, có trên 500 lao động chuyên nghiệp; Làm chủ các công nghệ nền tảng, sản xuất được một số sản phẩm trọng điểm có khả năng cạnh tranh trong CNNDS; Hình thành hệ thống thư viện số trực tuyến; Xây dựng một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Cung cấp hiệu quả các dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh và đào tạo từ xa.

Nhằm phát triển thị trường, chương trình CNNDS đã đưa ra giải pháp kích cầu, phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu hướng vào thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, nâng cao nhận thức và văn hoá sử dụng Internet, sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; tăng cường quản lý để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, chống gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ…

Để đảm bảo cho sự phát triển của từng lĩnh vực, chương trình phát triển công nghiệp số của nhà nước có giải pháp huy động nguồn lực và thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng truyền thông, Internet; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh và sở hữu trí tuệ.

Cùng với những giải pháp thực hiện, về chính sách, chương trình hướng vào việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và tăng cường hiệu lực của các bộ luật có liên quan như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, đơn giản hoá thủ tục quản lý Internet; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng trong giao dịch, thanh toán, chứng thực điện tử; đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; ban hành các quy định cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ bí mật kinh doanh và quyền riêng tư của người tham gia giao dịch điện tử.

Nguồn kinh phí thực hiện các dự án của CNNDS được huy động từ ngân sách trung ương 40%; 30% từ ngân sách địa phương và số còn lại được huy động từ sự đóng góp của các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực nội dung số đang từng bước được chú ý đào tạo và nâng cao tay nghề. Tận dụng thị trường lao động dồi dào, trẻ, khoẻ, có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh. Đây là những yếu tố tạo nên tiềm lực cho ngành công nghiệp non trẻ này phát huy hơn nữa thế mạnh của mình trong thời gian tới.

2. Thách thức đối với sự phát triển ngành công nghiệp nội dung số

Hạn chế về thị trường và sản phẩm - dịch vụ 

Dù là nằm trong khu vực phát triển năng động nhất ở Đông Nam Á, song việc phát triển CNNDS vẫn không tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là với Trung Quốc và các nước trong khu vực. Bên cạnh đó hệ thống sản phẩm và dịch vụ nội dung số của nước ta còn quá khiêm tốn, không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nội dung số của thị trường nước ngoài. Chính hạn chế này đã đưa đến những khó khăn khi đưa các sản phẩm nội dung số ra ngoài thị trường thế giới và ngay ở thị trường trong nước, các sản phẩm, dịch vụ thông tin số cũng khó đứng vững trước sự đa dạng và phong phú về loại hình và chất lượng của các nước khác. Như vậy, vấn đề giảm sức cạnh tranh trên thị trường đã làm cho hiệu quả kinh tế của ngành CNNDS không đạt được kết quả như mong đợi.

Hạn chế về nguồn nhân lực 

Tuy đã có một đội ngũ khoảng trên 10 nghìn người tham gia vào lĩnh vực CNNDS nhưng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp công nghiệp số hiện nay rất lớn và cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của thị trường. Bên cạnh đó, còn tồn tại khoảng cách khá lớn giữa nội dung đào tạo và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các trường chưa có nhiều khoá học, môn học chuyên sâu về CNNDS. Thiếu các chuyên viên, kỹ sư có trình độ về đa phương tiện số. Thiếu đội ngũ nhân lực vừa am hiểu nghệ thuật, vừa am hiểu công nghệ. Chưa có nhiều các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng về CNNDS. Nhìn chung, đội ngũ phát triển nội dung còn mỏng và yếu, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển của ngành.

Hạn chế về viễn thông và đường truyền

Dung lượng và giá đường truyền Internet còn hạn chế. Hạ tầng băng rộng chưa phát triển đủ mạnh. Giá thuê kênh truyền vẫn cao so với khu vực và quốc tế. Dung lượng và chất lượng đường truyền còn nhiều vấn đề. Các dịch vụ thông tin di động 3G, 4G đã triển khai nhưng phát triển còn chậm. Dịch vụ truyền dữ liệu trên mạng di động chưa được phổ biến do giá truy cập còn cao.

Môi trường pháp lý còn thiếu

Môi trường pháp lý cho CNNDS còn rất thiếu. Nhà nước cần nhận diện rõ ngành công nghiệp này để có văn bản quản lý, hỗ trợ phù hợp. Nhà nước đã có một số văn bản về quản lý phát hành các trang thông tin điện tử, nội dung điện tử, tuy nhiên chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập. Thông tư liên bộ về game online chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về sở hữu trí tuệ còn nhiều vấn đề như: Thiếu các văn bản dưới luật để quy định rõ các trường hợp vi phạm; Thiếu các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Thiếu các chế tài xử phạt; Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao.

Nguồn kinh phí và thu hút đầu tư nước ngoài

Nguồn kinh phí dành riêng cho việc phát triển ngành CNNDS ở nước ta còn thiếu, không đủ để triển khai tất cả những hạng mục nội dung quan trọng của ngành công nghiệp thông tin mũi nhọn này. Mặc dù đã tham gia nhiều tổ chức, liên hiệp quốc tế như: WTO, World Bank… nhưng chúng ta vẫn thu hút được rất ít nguồn vốn ODA vào hỗ trợ phát triển CNNDS. Nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước và kinh phí huy động được từ các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nội dung số ở Việt Nam.

3. Giải pháp đẩy mạnh tốc độ phát triển ngành công nghiệp nội dung số

Để phát triển ngành CNNDS ở Việt Nam, cần xây dựng chiến lược dựa trên những yêu cầu của thực tế. Có sự phối hợp, gắn kết cùng hành động giữa các cơ quan ngang Bộ và có chương trình mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn nhất định. Đặc biệt, cần xác định rõ các lĩnh vực nội dung số trọng tâm như:

- Phát triển nội dung cho Internet (báo điện tử, trang web, tra cứu thông tin…)

- Phát triển nội dung cho mạng di động (tin nhắn tra cứu thông tin, dự đoán kết quả, bầu chọn, tải chuông, logo…)

- Học tập điện tử, giáo dục trực tuyến (E-learning)

- Y tế điện tử (các dịch vụ tư vấn sức khoẻ, khám chữa bệnh qua mạng)

- Thương mại điện tử (thiết kế, quảng cáo, tiếp thị, mua bán trên mạng...)

- Trò chơi điện tử (máy tính, trực tuyến, tương tác, cho thiết bị di động…)

- Thư viện số, Kho dữ liệu số, Ngân hàng dữ liệu…

- Phim số, truyền hình số, hoạt hình và các dịch vụ/ sản phẩm liên quan.

Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa các giải pháp cụ thể về một số vấn đề sau:

Về hành lang pháp lý

Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách phát triển CNNDS; Xác lập các loại hình, lĩnh vực CNNDS; Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý đối với các hoạt động cung cấp (phát hành) nội dung thông tin số; Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển sản phẩm nội dung số; Xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý dưới luật, tăng cường việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho phần mềm, nội dung số. Đẩy mạnh thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số; Xây dựng môi trường pháp lý cho tài sản trí tuệ (IP) trong CNNDS; Củng cố và tăng cường năng lực hoạt động cho cơ quan quản lý nhà nước về CNNDS; Thiết lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho CNNDS. Chính phủ cần đỡ đầu cho các dự án, sáng kiến để hỗ trợ phát triển thị trường và phát triển kỹ năng nhân lực cho CNNDS.

Về phát triển hạ tầng viễn thông, Internet

Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng băng rộng; Đẩy mạnh đầu tư mở rộng băng thông và nâng cao chất lượng đường truyền viễn thông, Internet; Có cơ chế, chính sách để hạ giá cước thuê bao xuống bằng mức trung bình của khu vực. Đầu tư nâng cấp mạng 3G cho thông tin di động; Nâng cao chất lượng dịch vụ truyền dữ liệu qua mạng di động, giảm giá cước truy cập; Có chính sách thông thoáng, khuyến khích phát triển các dịch vụ trực tuyến để kích thích phát triển hạ tầng viễn thông, Internet; Mở rộng các loại hình kết nối (vệ tinh)…

Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng, đưa vào chương trình đào tạo các khoá học, môn học chuyên ngành về nội dung số; Dành thêm nhiều chỉ tiêu cho đào tạo về phát triển nội dung số từ chương trình du học bằng tiền ngân sách (đề án 322, đề án 911); Tổ chức các khoá đào tạo nâng cao kỹ năng, cập nhật công nghệ phát triển nội dung số; Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ; Xúc tiến chương trình đào tạo sử dụng các công cụ phần mềm, phát triển nội dung số cho sinh viên các trường văn hoá, nghệ thuật; Đẩy mạnh đào tạo văn bằng 2 về công nghệ thông tin cho cán bộ, sinh viên các ngành khoa học xã hội, văn hoá, nghệ thuật. Tăng cường hợp tác quốc tế để đưa lao động trong CNNDS ra nước ngoài học tập, làm việc. Tổ chức các cuộc thi, giải thưởng về phát triển nội dung số để khuyến khích những điển hình xuất sắc.

Về phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ nội dung số

Tăng cường các biện pháp kích cầu thị trường trong nước bằng các loại hình sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh hoạt động số hoá và xây dựng các thư viện điện tử, trung tâm thông tin điện tử quy mô quốc gia và vùng lãnh thổ. Xác định các loại hình sản phẩm, dịch vụ thông tin số có tiềm năng; Khuyến khích, hỗ trợ tạo lập nội dung thông tin số: Ban hành cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp phát triển nội dung số; Khuyến khích việc số hoá các ấn phẩm, báo chí, sách phổ biến kiến thức. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực: Xây dựng các dự án để có thể phát triển nội dung số đa ngôn ngữ, đa văn hoá, chú ý đến các sản phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số; Khuyến khích tận dụng khai thác nguồn thông tin (nội dung) trong nước và khu vực; Có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút các công ty nội dung số lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Việc gia nhập WTO buộc Việt Nam phải nhanh chóng hội nhập quốc tế trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế.

Về tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển

Đầu tư cho các trường đại học làm nghiên cứu và phát triển về công nghệ cho CNNDS. Tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nội dung số từ nước ngoài. Đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu phát triển, các phòng thí nghiệm về công nghệ để các doanh nghiệp có thể dùng chung. Nghiên cứu xây dựng và chuẩn hoá các tiêu chuẩn về phát triển nội dung số. Cởi mở, thông thoáng cơ chế chuyển giao công nghệ. Lập các trại sáng tác kịch bản, nội dung cho phim hoạt hình, chương trình cho truyền hình số…

Về tổ chức lại quy trình sản xuất sản phẩm số hoá 

Phân công giữa người biên tập, sáng tác, cán bộ kỹ thuật và những người làm công tác kinh doanh tiếp thị. Phân tích nhu cầu và yêu cầu thị trường đối với sản phẩm và dịch vụ và có chiến lược kinh doanh thích hợp; Số hoá để sản xuất song song hai dạng sản phẩm: in ấn và điện tử hoặc tạo lập các nguồn tin điện tử trên các vật mang tin khác nhau được sử dụng đoạn tuyến hay trực tuyến.

4. Kết luận

CNNDS là một ngành kinh tế mới nhưng phát triển rất nhanh, Nhà nước cần nhanh chóng nhận diện rõ ngành kinh tế này để có biện pháp quản lý, thúc đẩy phát triển phù hợp. CNNDS là ngành kinh tế mang hàm lượng trí tuệ cao, lợi nhuận lớn, đồng thời là động lực và phương tiện để đẩy nhanh quá trình tiến tới xã hội thông tin, kinh tế tri thức. CNNDS sẽ là nền tảng để các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình Chính phủ điện tử, chương trình tin học hoá nền hành chính nhanh chóng đạt được mục tiêu. Là ngành kinh tế tốt có vai trò chủ chốt trong định hướng cạnh tranh hội nhập và phát triển xã hội trong tương lai. CNNDS được coi là một trong những động lực phát triển bền vững quốc gia. Từ sự khẳng định của lãnh đạo Nhà nước qua Quyết định 56/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hy vọng CNNDS sẽ là nền tảng tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành kinh tế quan trọng này trong những giai đoạn tiếp theo. CNNDS đã và đang phát triển ở Việt Nam và dần khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Thông tin và Truyền thông. Dự thảo chương trình phát triển công nghiệp nội dung số đến năm 2010.

2. Châu Long. Phát triển công nghiệp nội dung số: Nguy nan tứ phía // Tạp chí Tin học và đời sống. - 2008. - Số 10 - Tr. 20-22

3. Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

4. Đồng Đức Hùng. Ngành công nghiệp thông tin trong quá khứ hiện tại và tương lai // Kỷ yếu hội thảo khoa học Thông tin khoa học và công nghệ ngày nay. - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Hội Thông tin Tư liệu Việt Nam, 2009. - Tr. 51-55.

5. Kiều Gia Như. Singapore với công nghiệp thông tin và truyền thông // Tạp chí Thông tin và phát triển. - 2007. - Số 6 - Tr. 148-150.

6. Luật công nghệ thông tin. - H. : Chính trị Quốc gia, 2006. - 70tr.

7. Nghị định 71/2007CP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều luật về công nghiệp thông tin.

8. Nguyễn Tuấn Khoa. Vai trò của thông tin và công nghiệp nội dung trong xã hội thông tin // Kỷ yếu hội thảo khoa học: Xã hội thông tin. - H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010. - Tr. 98-100.

9. Quyết định 56/2007/QĐTTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số đến năm 2010.

10. Trần Minh. Sự gắn kết giữa thương mại điện tử và công nghệ thông tin trong chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam // Kỷ yếu hội thảo Quốc tế thương mại điện tử và Phát triển nguồn nhân lực. - 2011. - Tr 32-38.

11. Viện thông tin Khoa học xã hội Việt Nam. Những thách thức của sự phát triển trong xã hội thông tin // Thông tin khoa học xã hội - chuyên đề, 2005. - 208tr.

_____________

Bùi Thị Thanh Diệu 

Đại học Khánh Hoà

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 1. - Tr. 17-22.